Đặc điểm, quy trình và lưu ý khi thi công cốp pha đúng tiêu chuẩn

Cốp pha là thiết bị thi công không thể thiếu trong quá trình thi công các công trình xây dựng, đặc biệt trong các dự án yêu cầu độ chính xác và chất lượng cao. Việc thi công cốp pha đúng tiêu chuẩn không chỉ đảm bảo an toàn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình sau này. Bài viết dưới đây của EnBasic sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm của cốp pha, quy trình thi công và những lưu ý quan trọng để đảm bảo tính chính xác trong xây dựng.

Thi công cốp pha là gì?

Cốp pha (hay còn gọi là “coffrage” hoặc cốt pha) là một hệ thống ván khuôn được sử dụng để tạo hình cho bê tông, giúp bê tông duy trì hình dáng và kích thước mong muốn trong quá trình đông kết. Đồng thời, cốp pha còn phải chịu được tải trọng trong suốt quá trình thi công và sử dụng.

Trong xây dựng, cốp pha đóng vai trò không thể thiếu. Tùy theo vật liệu xây dựng, cốp pha được chia thành nhiều loại khác nhau như:

  • Cốp pha bê tông
  • Cốp pha từ gỗ (gỗ phủ phim, gỗ thanh)
  • Cốp pha tôn (tôn hộp, tôn lá)
  • Cốp pha nhựa tổng hợp
  • Cốp pha kết hợp
thợ đang thi công
Cốp pha (hay còn gọi là “coffrage” hoặc cốt pha) là một hệ thống ván khuôn được sử dụng để tạo hình cho bê tông

Yêu cầu kỹ thuật thi công cho cốp pha dầm sàn

Để đảm bảo quá trình đổ bê tông an toàn và chất lượng, việc thi công cốp pha dầm sàn móng cột cần tuân thủ các tiêu chí quan trọng sau:

  • Độ vững chắc: Ván khuôn phải có độ dày theo đúng quy định, đảm bảo tính cứng cáp. Loại cốp pha này cần dễ tháo lắp, không gây trở ngại cho việc đặt cốt thép, đổ và đầm bê tông. Đặc biệt, cốp pha phải giữ nguyên hình dạng dưới trọng lượng của bê tông cốt thép và tải trọng trong suốt quá trình thi công.
  • Độ kín khít: Ván khuôn phải được ghép kín, không để hở để tránh tình trạng nước xi măng chảy ra ngoài trong quá trình đổ bê tông sàn dầm, đảm bảo chất lượng bê tông sau khi đông cứng.
  • Kích thước và hình dáng chuẩn: Lựa chọn ván khuôn cần đúng kích thước và hình dáng theo thiết kế. Cần loại bỏ những ván khuôn bị cong vênh để đảm bảo khi lắp ráp sẽ đúng với hình dáng và kích thước của kết cấu.
  • Bảo vệ lớp ván khuôn: Đối với ván khuôn sàn, có thể lót thêm bạt để hạn chế việc mất nước xi măng, giúp bê tông đạt chất lượng tốt nhất.
  • Độ chịu lực: Khi thi công, cần chú ý đến khả năng chịu lực của gỗ ván và đà giá, đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống.
  • Trình tự lắp ráp: Cốp pha dầm và sàn nên được ghép trước khi lắp đặt cốt thép, trong khi đó, cốp pha cột được ghép sau khi cốt thép đã được lắp đặt hoàn chỉnh.
công trình thi công phần thô
Ván khuôn phải có độ dày theo đúng quy định, đảm bảo tính cứng cáp

Quy trình thi công cốp pha

Quy trình thi công cho cốp pha bao gồm ba loại chín là cốp pha móng, cốp pha cột và cốp pha dầm sàn phủ phim. Tại các công trình của EnBasic, việc thực hiện quy trình thi công theo tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng công trình cũng như an toàn cho đội ngũ thi công. Dưới đây là các bước bắt buộc phải tuân thủ trong suốt quá trình thi công.

Quy trình thi công cho cốp pha móng

Để đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình thi công cho cốp pha móng, cần thực hiện quy trình sau đây:

Bước 1. Chuẩn bị nền và đánh dấu.

Trước khi lắp đặt cốt thép móng, bật mực tim trục dầm đài móng và mực gửi cốp pha lên lớp bê tông lót để hỗ trợ công tác thi công và kiểm tra. Nếu nền bê tông lót ướt, sử dụng đinh cọc và căng dây để giữ cốp pha.

Bước 2. Lắp đặt cốt thép và con kê:

Sau khi hoàn thành việc lắp dựng cốt thép và con kê, tiến hành đóng đinh cố định làm cữ cho lòng trong cốp pha vào lớp bê tông lót.

Bước 3. Lựa chọn và gia công cốp pha:

Chọn loại và độ dày của cốp pha phù hợp với chiều cao kết cấu móng để đảm bảo chất lượng. Gia công và lắp dựng cốp pha theo đúng kích thước.

Bước 4. Cố định và gia cố:

Sử dụng hộp đà chống và tăng kích để giằng các tấm cốp pha vào nhau, neo chống vào nền cứng có đủ khả năng chịu lực.

Bước 5. Kiểm tra và điều chỉnh:

Căn cứ vào mốc đã định vị, thường xuyên đo đạc kiểm tra để đảm bảo kích thước, độ thẳng đứng, độ kín khít và ổn định của cốp pha.

thi công cốp pha móng
Gia công và lắp dựng cốp pha móng theo đúng kích thước. (Nguồn ảnh internet)

Quy trình thi công cho cốp pha cột

Thi công cốp pha cột là bước quan trọng sau khi lắp dựng cốt thép đã được nghiệm thu. Quy trình thực hiện gồm các bước sau:

Bước 1. Chuẩn bị và định vị:

Sau khi nghiệm thu cốt thép cột, bật mực định vị tim cột, mép và mốc gửi của cốp pha.

Bước 2. Lựa chọn và gia công cốp pha:

Chọn loại cốp pha phù hợp và thi công cột theo đúng kích thước thiết kế. Đảm bảo các tấm cốp pha ghép nối kín khít.

Bước 3. Lắp dựng và cố định:

Ghép nối các tấm cốp pha bằng sắt hộp hoặc hàn và chống đỡ cố định bằng cây chống xiên, tăng kích và cáp tăng neo xuống sàn.

Bước 4. Kiểm tra và nghiệm thu:

Dùng thước thép kiểm tra kích thước chân cột và máy laze kiểm tra độ thẳng của cột theo các phương. Viết lại các mốc cao độ của cột trước khi đổ bê tông và tiến hành nghiệm thu.

Bước 5. Kiểm tra sau đổ bê tông:

Sau khi đổ bê tông, kiểm tra lại kích thước chân cột và độ thẳng đứng của cột.

thi công phần cột
Chọn loại cốp pha phù hợp và thi công cột theo đúng kích thước thiết kế.

Quy trình thi công cho cốp pha dầm sàn

Để đảm bảo chất lượng và độ an toàn trong thi công cốp cho pha dầm sàn, cần thực hiện các bước sau:

Bước 1. Xác định và định vị:

Xác định vị trí tim trục đầu cột và tim trục dầm. Bật mực gửi lên đầu cột để định vị chính xác.

Bước 2. Chuẩn bị cốp pha:

Lựa chọn và gia công cốp pha theo đúng kích thước thiết kế, tính toán tổ hợp đà giáo phù hợp với kết cấu dầm sàn.

Bước 3. Lắp dựng hệ thống giáo chống:

Tính toán tổ hợp giáo chống cho dầm và sàn riêng biệt. Lắp dựng hệ thống xà gồ, cốp pha đáy dầm và thành dầm, tăng kích cho đến đạt cao độ thiết kế.

Bước 4. Kiểm tra và nghiệm thu:

Dùng thước thép kiểm tra kích thước tim dầm và máy laze để kiểm tra cốt đáy dầm và đáy sàn. Nghiệm thu theo tiêu chuẩn TCVN 4453:1995.

Bước 5. Lắp đặt xà gỗ và ván sàn:

Sau khi nghiệm thu đáy dầm và thành, lắp đặt xà gỗ và ván sàn. Sử dụng băng dính để xử lý kín các vị trí nối tấm sàn.

Bước 6. Kiểm tra và vệ sinh:

Kiểm tra nghiệm thu tim dầm và cốt dầm sàn. Xịt rửa vệ sinh khu vực trước khi lắp dựng cốt thép.

Bước 7. Giám sát trong quá trình đổ bê tông:

Thường xuyên kiểm tra chống, thanh giằng để đảm bảo hệ thống cốp pha ổn định trong suốt quá trình đổ bê tông.

công trình đang thi công
Lựa chọn và thi công cốp pha cho dầm sàn Đặc điểm, quy trình và lưu ý thi công cốp pha đúng kỹ thuậttheo đúng kích thước thiết kế,

Kinh nghiệm tháo dỡ cốp pha cho dầm sàn

Việc tháo dỡ cốp pha dầm sàn cần được thực hiện cẩn thận để đảm bảo an toàn và chất lượng công trình. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể:

  • Cường độ bê tông: Chỉ tháo dỡ cốp pha và giàn giáo khi bê tông đạt cường độ cần thiết để chịu trọng lượng sàn và các tải trọng khác. Thông thường, các bộ phận cốp pha không còn chịu lực như thành dầm, tường, cột có thể được tháo dỡ khi bê tông đạt trên 50% cường độ thiết kế (daN/cm²).
  • Kết cấu đặc biệt: Kết cấu ô văng, công xôn, sê nô chỉ được tháo cột chống và cốp pha đáy khi bê tông đạt đủ cường độ mác thiết kế.
  • Tháo dỡ cốp pha giàn giáo ở sàn nhiều tầng:
    • Giữ lại toàn bộ đà giáo và cột chống ở tấm sàn ngay dưới tấm sàn sắp tháo dỡ.
    • Tháo dỡ từng bộ phận cột chống cốp pha của tấm sàn dưới nước, giữ lại cột chống “an toàn” cách nhau 3m dưới các dầm có nhịp lớn hơn 4m.
  • Tháo dỡ theo cường độ bê tông: (Với kết cấu chịu lực như đáy dầm, sàn, cột chống, nếu không có chỉ dẫn đặc biệt từ thiết kế)
    • Tháo dỡ khi bê tông đạt cường độ 50% (sau 7 ngày) cho bản dầm, vòm có khẩu độ nhỏ hơn 2m.
    • Đạt cường độ 70% (sau 10 ngày) cho bản, dầm, vòm có khẩu độ từ 2-8m.
    • Đạt cường độ 90% cho bản dầm, vòm có khẩu độ lớn hơn 8m.
thợ đang thi công
Chỉ tháo dỡ cốp pha và giàn giáo khi bê tông đạt cường độ cần thiết để chịu trọng lượng sàn. (Nguồn ảnh internet)

Chú ý: Không gây ứng suất đột ngột hoặc va chạm mạnh đến kết cấu bê tông trong quá trình tháo dỡ.

Lưu ý khi thi công cốp pha của EnBasic

Trong quá trình lắp đặt cốp pha, việc tuân thủ các lưu ý an toàn và kỹ thuật là rất quan trọng để đảm bảo chất lượng công trình và bảo vệ an toàn cho công nhân. Dưới đây là những điểm cần chú ý khi xây cốp pha tại EnBasic:

Lắp đặt cốp pha

Khi lắp cốp pha tấm lớn theo nhiều tầng, cần đảm bảo cốp pha tầng dưới đã được cố định chắc chắn trước khi lắp cốp pha tầng trên. Đối với giàn giáo, đất nền phải được san phẳng và đầm chặt và cột hoặc khung giàn giáo phải thẳng đứng, giằng giữ theo thiết kế. Không được kê chân cột bằng gạch đá hay mẩu gỗ vụn.

Cần đảm bảo cốp pha tầng dưới đã được cố định chắc chắn trước khi lắp cốp pha tầng trên. (Nguồn ảnh internet)

An toàn công nhân

Khi làm việc ở độ cao từ 1,5m trở lên, công nhân phải đứng trên sàn thao tác có lan can bảo vệ cao ít nhất 1m và hai thanh chắn ngang cách nhau 30cm. Đối với cốt pha cột hay dầm cao tới 5,5m, sử dụng giáo ghế di động, cao hơn 5,5m thì sử dụng giáo cao.

công nhân đang thi công
Công nhân phải đứng trên sàn thao tác có lan can bảo vệ cao ít nhất 1m

Tháo dỡ ván khuôn

Tháo dỡ ván khuôn chỉ được thực hiện sau khi bê tông đã đạt đủ cường độ. Trong quá trình tháo dỡ, cần đảm bảo các biện pháp an toàn để tránh ván khuôn rơi xuống gây tai nạn. Cấm tháo dỡ ván khuôn ở nhiều tầng cùng một lúc và không để ván khuôn rơi vào đường dây điện. Ván khuôn dỡ ra phải được chuyển ngay xuống đất, không xếp đống trên giàn giáo.

thợ đang lắp cốp pha
Tháo dỡ ván khuôn chỉ được thực hiện sau khi bê tông đã đạt đủ cường độ.

Thông qua những chia sẻ của EnBasic về thi công cốp pha, bạn sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm quý báu để thực hiện và giám sát công trình một cách an toàn và hiệu quả. EnBasic, công ty thiết kế và thi công trọn gói uy tín, chất lượng tại miền Trung và các khu vực khác, sẵn sàng hỗ trợ bạn. Để nhận tư vấn và khái toán chi phí thiết kế xây nhà miễn phí và chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0876 68 68 69.

(Một số hình ảnh minh họa tham khảo internet)

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.

You may use these <abbr title="HyperText Markup Language">HTML</abbr> tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*